Pháp luật Doanh nghiệp - Tư vấn luật doanh nghiệp miễn phí 24/7

Cục Báo chí được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì

Cục Báo chí được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì

Quản lý nhà nước về báo chí là làm cho báo chí phát triển, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước, và người làm báo cách mạng có thể sống được lành mạnh.

Ngày 19-7 tại Hà Nội, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận huân chương lao động hạng Nhì.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục góp phần khơi dậy khát vọng dân tộc. Đó là khát vọng phát triển đất nước sánh vai cường quốc năm châu, Việt Nam trở thành một nước XHCN phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. "Đây là sứ mệnh mới của báo chí cách mạng"- Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, quản lý nhà nước đầu tiên là thể chế. Thể chế phải rõ ràng, tường minh, quản lý cả trong tuân thủ và thực thi, nhưng xử phạt thì thật nghiêm minh đủ sức răn đe.

“Quản lý phải có công cụ giám sát toàn diện. Nhìn thấy online các đối tượng quản lý của mình, phát hiện được sớm các vấn đề, vỗ vai, nhắc nhở anh em, cứu được cán bộ. Khi thực thi phát luật phải thường xuyên, nghiêm minh, rộng khắp”- Bộ trưởng Hùng nói.

Bộ trưởng cũng cho rằng, công nghệ số, truyền thông xã hội và COVID-19 đã làm bộc lộ rõ hơn các vấn đề sinh tồn của báo chí, nhưng lộ ra thì mới nhìn thấy, nhìn thấy thì mới sửa được, sửa được mới có phát triển mới. Vậy lộ ra là tốt. Không nên sợ lộ ra và càng không nên giấu.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, quản lý nhà nước về báo chí là làm cho báo chí phát triển, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước, đảm bảo cho những người làm báo cách mạng có thể sống được lành mạnh. Các cơ quan báo chí phải được đầu tư về cơ sở vật chất, về công nghệ để không bị tụt hậu so với các doanh nghiệp làm truyền thông trên thị trường. Đây là trách nhiệm của Cục Báo chí.

Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí nhấn mạnh: Sự ra đời của Cục Báo chí đánh dấu bước trưởng thành về quy mô tổ chức, bộ máy, nhân sự của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Bộ VH-TT thời kỳ này.

Quá trình 20 năm qua, cơ cấu tổ chức của Cục có chia tách thành nhiều đơn vị khác nhau, nhưng dần được hoàn thiện; phạm vi, đối tượng quản lý, chức năng và nhiệm vụ của Cục được mở rộng hơn, với nhiều trọng trách mới, quan trọng hơn, thể hiện sự tin tưởng, ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thế hệ các lãnh đạo Bộ TT&TT.

Cục Báo chí đã chủ trì, tham gia xây dựng, ban hành 113 văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác, đáng chú ý là: Luật báo chí 2016; Nghị định quy định chi tiết về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Hai mươi năm qua, công tác quản lý nhà nước về báo chí đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Cục Báo chí được giao chủ trì triển khai dự án Đào tạo lại báo chí Việt Nam qua 2 giai đoạn. Dự án được triển khai ở tất cả các loại hình báo chí, mọi đối tượng nhà báo.

Tiếp nối dự án trên, năm 2019, Bộ TT&TT giao Cục Báo chí cùng các đơn vị liên quan triển khai dự án “phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024”. Dự án đem lại giá trị thiết thực cho báo chí về tiếp cận công nghệ mới của báo chí, về kinh tế báo chí, chuyển đổi số và các kỹ năng, phương pháp làm báo mới. Đã có hàng trăm phóng viên, biên tập viên được tiếp cận với những kiến thức mới do dự án đem lại.

Với thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong suốt 20 năm qua, Cục Báo chí vinh dự nhận Huân chương lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước.

Chat zalo Liên hệ theo Zalo Liên hệ theo SĐT
Mở Đóng
Gọi luật sưGọi luật sư 0567501111 ZaloZalo