Khi cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thì Tòa án sẽ ra quyết định tạm ngừng phiên tòa hay hoãn phiên tòa?
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, khi cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ thì Tòa án sẽ ra quyết định tạm ngừng phiên tòa hay hoãn phiên tòa?
Theo Điều 251 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định:
Tạm ngừng phiên tòa
1. Việc xét xử có thể tạm ngừng khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện được trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa;
b) Do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa;
c) Vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa.
2. Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa.
Như vậy, trường hợp cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa nhưng có thể thực hiện được trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa thì Tòa án có thể tạm ngừng phiên tòa.
Lưu ý, thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa.
Tại khoản 1 Điều 297 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định:
Hoãn phiên tòa
1. Tòa án hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp:
...
b) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa;
...
2. Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
...
Như vậy, trường hợp cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa (không thể thực hiện được trong thời hạn 05 ngày) thì Tòa án sẽ hoãn phiên tòa.
Lưu ý, trường hợp thiếu tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì phải ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự (Hình từ Internet)
Quyết định hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm để xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa phải có những nội dung nào?
Quyết định hoãn phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa phải có những nội dung được quy định tại khoản 3 Điều 297 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cụ thể
- Ngày, tháng, năm ra quyết định;
- Tên Tòa án và họ tên Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án;
- Họ tên Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa;
- Vụ án được đưa ra xét xử;
- Lý do của việc hoãn phiên tòa;
- Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.
Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên. Trường hợp chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa.
Quyết định hoãn phiên tòa phải được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa; gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người vắng mặt tại phiên tòa trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Giới hạn của việc xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được quy định như thế nào?
Giới hạn của việc xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được quy định tại Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
- Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
- Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
- Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.