Những việc Luật sư cần làm khi tiếp cận hồ sơ vụ án bao gồm những việc gì?
Câu hỏi của bạn:
Chào Luật sư, tôi muốn hỏi vấn đề trong quá tiếp cận hồ sơ vụ án Luật sư cần thực hiện những công việc gì để đảm bảo tiếp cận kịp thời, đầy đủ và đúng quy định hồ sơ vụ án tại các cơ quan tiến hành tố tụng? Mong Luật sư giải đáp giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn?
Câu trả lời của Luật sư:
Luật sư chỉ được tiếp cận hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra. Khi Luật sư có yêu cầu đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm để Luật sư đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án.
– Chuẩn bị đơn yêu cầu tiếp cận hồ sơ vụ án:
Hiện không có quy định về thủ tục Luật sư phải thực hiện khi có yêu cầu đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án song thực tiễn bào chữa cho thấy các cơ quan THTT thường yêu cầu Luật sư phải có đơn yêu cầu. Vì vậy, Luật sư cần chủ động chuẩn bị đơn yêu cầu sao chụp hồ sơ vụ án cùng bản sao thẻ Luật sư, bản sao văn bản thông báo Luật sư khi đến; liên hệ với cơ quan THTT. Luật sư cũng cần liên hệ trước với KSV hoặc Thẩm phán, Thư ký Tòa án được phân công thụ lý, giải quyết vụ án để được hẹn ngày đến sao chụp hồ sơ vụ án, tránh việc phải đi lại nhiều lần.
– Đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án
Khi tiếp cận hồ sơ vụ án, Luật sư được quyền đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu ( Điều 82 BLTTHS) trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, do thời gian dành để tiếp xúc hồ sơ vụ án ở các cơ quan THTT thường hạn hẹp, hồ sơ vụ án thường có nhiều tài liệu, cần có thời gian đọc, nghiên cứu, so sánh, đối chiếu nên hầu như Luật sư chỉ có thể đủ thời gian chọn những tài liệu cần thiết để sao chụp và nghiên cứu sau. Do vậy, cần chuẩn bị phương tiện để sao chụp để tránh bị động khi tiếp cận hồ sơ vụ án.
– Kiểm tra, đối chiếu hồ sơ
Khi tiếp nhận hồ sơ vụ án để sao chụp, Luật sư cần cùng với người giao hồ sơ kiểm tra, đối chiếu ngay các tài liệu được ghi trong bảng kê với thực tế các tài liệu có trong hồ sơ vụ án xem có đầy đủ không, có tài liệu nào bị thiếu, bị rách, hỏng không? Đặc biệt chú ý những tài liệu có nhiều trang nhưng chưa được đánh số bút lục. Trong trường hợp phát hiện những thiếu sót nói trên cần thông báo ngay cho người bàn giao hồ sơ và ghi vào biên bản bàn giao hồ sơ hoặc ghi ngay vào đơn yêu cầu sao chụp hồ sơ vụ án.
– Chọn lọc tài liệu trong hồ sơ vụ án:
Khi sao chụp hồ sơ vụ án, trước hết cần dựa vào bảng kê các tài liệu có trong hồ sơ vụ án để chọn ra các tài liệu liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ để tiến hành sao chụp. Tuy nhiên, do lần đầu tiếp xúc với hồ sơ vụ án nên Luật sư khó có thể nắm được những tài liệu nào là tài liệu liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ để tiến hành sao chụp, do vậy thường là phải chụp toàn bộ hồ sơ, sau đó mới chọn, in những tài liệu cần thiết. Luật sư cũng cần chú ý sao chụp các quyết định tố tụng liên quan đến người được bào chữa: quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt, quyết định tạm giữ, tạm giam; lời khai của người bị buộc tội hoặc những bị can, đương sự khác có liên quan; biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi,…
– Bàn giao lại hồ sơ vụ án
Sau khi đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu, Luật sư phải sắp xếp lại hồ sơ đúng như trình tự khi nhận và bàn giao nguyên trạng hồ sơ vụ án cho người đã cung cấp hồ sơ. Nếu trước khi giao hồ sơ có lập biên bản thì khi giao trả hồ sơ cũng phải ghi vào trong biên bản “đã giao nhận lại hồ sơ đầy đủ như khi bàn giao“.
– Các công việc sau khi sao chụp hồ sơ vụ án:
Các tài liệu trong hồ sơ thường được sắp xếp theo trình tự: Tài liệu tố tụng và tài liệu là chứng cứ của vụ án: tập lời khai của các bị can; lời khai nhân chứng, bị hại, các tài liệu điều tra như biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra, nhận dạng, đối chất, kết luận giám định, định giá tài sản… Tùy theo tính chất các tài liệu được lựa chọn và sao chụp, Luật sư có thể sắp xếp các tài liệu sau khi in theo trình tự này hoặc theo một trình tự khác mà mình thấy phù hợp, miễn là thuận tiện trong việc nghiên cứu, sử dụng khi viết luận cứ, đặc biệt là khi tranh luận tại phiên tòa.