Thực hiện thanh toán tiền mua trái phiếu như thế nào thì đúng luật?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 23 Thông tư 111/2018/TT-BTC quy định về thanh toán tiền mua trái phiếu như sau:
- Đối với trái phiếu phát hành theo phương thức đấu thầu, bảo lãnh phát hành:
+ Chậm nhất vào 11 giờ 30 phút ngày thanh toán tiền mua trái phiếu do Kho bạc Nhà nước thông báo, nhà tạo lập thị trường (đối với phương thức đấu thầu), tổ chức bảo lãnh chính (đối với phương thức bảo lãnh) phải đảm bảo toàn bộ tiền mua trái phiếu (bao gồm cả tiền mua trái phiếu của khách hàng của nhà tạo lập thị trường và thành viên tổ hợp bảo lãnh của tổ chức bảo lãnh chính) đã được thanh toán và ghi có vào tài khoản do Kho bạc Nhà nước chỉ định.
+ Đối với trường hợp khách hàng, thành viên tổ hợp bảo lãnh không thực hiện thanh toán tiền mua trái phiếu thì nhà tạo lập thị trường hoặc tổ chức bảo lãnh chính có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ tiền mua trái phiếu đó.
+ Nhà đầu tư mua trái phiếu thông qua nhà tạo lập thị trường hoặc tổ chức bảo lãnh chính có thể thanh toán tiền mua trái phiếu thông qua nhà tạo lập thị trường, tổ chức bảo lãnh chính hoặc chuyển trực tiếp vào tài khoản do Kho bạc Nhà nước chỉ định nhưng phải đảm bảo đúng thời gian quy định.
+ Trường hợp nhà đầu tư chuyển tiền mua trái phiếu qua nhà tạo lập thị trường hoặc tổ chức bảo lãnh chính để chuyển vào tài khoản do Kho bạc Nhà nước chỉ định thì nhà tạo lập thị trường, tổ chức bảo lãnh chính phải ghi đầy đủ thông tin về mã trái phiếu, chủ sở hữu trái phiếu, khối lượng trái phiếu và tổng số tiền mua của chủ sở hữu trái phiếu đó;
+ Kho bạc Nhà nước gửi văn bản xác nhận hoàn tất thanh toán tiền mua trái phiếu cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam để thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu.
- Đối với trái phiếu phát hành theo phương thức riêng lẻ qua hệ thống Kho bạc Nhà nước, tiền mua trái phiếu có thể được thanh toán theo các hình thức sau:
+ Thanh toán bằng tiền mặt ngay khi mua trái phiếu tại địa điểm phát hành trái phiếu do Kho bạc Nhà nước công bố.
+ Thanh toán bằng chuyển khoản vào tài khoản chỉ định của Kho bạc Nhà nước tại nơi phát hành trái phiếu.
Xác định lãi chậm thanh toán tiền mua trái phiếu như thế nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 23 Thông tư 111/2018/TT-BTC quy định về việc xác định lãi chậm thanh toán tiền mua trái phiếu như sau:
- Trường hợp nhà đầu tư chuyển tiền sau ngày thanh toán tiền mua trái phiếu quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư 111/2018/TT-BTC, Kho bạc Nhà nước được thu lãi phạt chậm thanh toán như sau:
+ Số tiền lãi chậm thanh toán phải nộp được xác định theo công thức quy định tại khoản 1 Điều 27 Thông tư 111/2018/TT-BTC.
+ Kho bạc Nhà nước thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư chậm thanh toán tiền mua trái phiếu, trong đó nêu rõ số tiền lãi chậm thanh toán, thời hạn thanh toán và tài khoản nộp tiền lãi chậm thanh toán.
+ Nhà đầu tư chậm thanh toán tiền mua trái phiếu phải nộp tiền lãi chậm thanh toán vào ngân sách nhà nước theo thông báo của Kho bạc Nhà nước. Tiền lãi chậm thanh toán tiền mua trái phiếu được ghi thu vào ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
- Đối với trái phiếu phát hành theo phương thức đấu thầu hoặc bảo lãnh, sau năm (05) ngày làm việc kể từ ngày thanh toán tiền mua trái phiếu, nếu nhà đầu tư không thanh toán tiền mua trái phiếu, Kho bạc Nhà nước hủy kết quả phát hành đối với số lượng trái phiếu không thanh toán và có văn bản thông báo cho nhà đầu tư, Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Quy định về thanh toán lãi, gốc trái phiếu phát hành theo phương thức đấu thầu phát hành và bảo lãnh phát hành như thế nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2018/TT-BTC quy định về thanh toán lãi, gốc trái phiếu phát hành theo phương thức đấu thầu phát hành và bảo lãnh phát hành như sau:
- Chậm nhất vào ngày hai mươi lăm (25) hàng tháng, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thông báo cho Kho bạc Nhà nước số tiền lãi, gốc trái phiếu cần thanh toán trong tháng tiếp theo và ngày thanh toán.
- Căn cứ thông báo của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, chậm nhất vào 11 giờ 30 phút ngày thanh toán lãi gốc trái phiếu, Kho bạc Nhà nước đảm bảo toàn bộ tiền thanh toán lãi, gốc trái phiếu trong ngày thanh toán được chuyển và ghi có vào tài khoản do Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thông báo.
- Trong ngày thanh toán lãi, gốc trái phiếu, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, thông qua thành viên lưu ký, thực hiện chuyển tiền thanh toán lãi, gốc trái phiếu cho chủ sở hữu trái phiếu xác định tại ngày đăng ký cuối cùng.
- Trường hợp Kho bạc Nhà nước chuyển tiền thanh toán lãi, gốc trái phiếu vào tài khoản của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam chậm so với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2018/TT-BTC, Kho bạc Nhà nước phải trả tiền lãi chậm thanh toán.
- Số tiền lãi chậm thanh toán được Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam phân bổ theo thông báo của Kho bạc Nhà nước để chuyển vào tài khoản của người sở hữu trái phiếu theo tỷ lệ trái phiếu sở hữu. Số tiền lãi chậm thanh toán xác định theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 27 Thông tư 111/2018/TT-BTC.
- Trường hợp Kho bạc Nhà nước đã thực hiện chuyển tiền thanh toán lãi, gốc trái phiếu vào tài khoản thông báo của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 25 Thông tư 111/2018/TT-BTC nhưng Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam chuyển tiền thanh toán lãi, gốc trái phiếu vào tài khoản của người sở hữu trái phiếu sau ngày thanh toán lãi, gốc trái phiếu, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam sẽ phải trả tiền lãi chậm thanh toán cho người chủ sở hữu trái phiếu.
- Số tiền lãi chậm thanh toán được xác định theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 27 Thông tư 111/2018/TT-BTC .