Thuế tối thiểu toàn cầu, 'bài toán' mới của kinh tế Việt Nam
Thuế suất tối thiểu toàn cầu là giải pháp quốc tế nhằm chống lại các tập đoàn đa quốc gia né thuế. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là "bài toán" mới của kinh tế Việt Nam.
Sắp tới, tháng 10, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, dự kiến có hiệu lực đầu năm 2024.
Đó là thông tin về lộ trình chính sách thuế tối thiểu toàn cầu ở Việt Nam được ông Đặng Ngọc Minh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đưa ra tại Diễn đàn hợp tác về Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận của OECD (Diễn đàn IF) tổ chức ở Paris, Pháp.
Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia né thuế, có hiệu lực từ 1-1-2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất.
Tại diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh tham gia tham luận về việc triển khai trụ cột hai về thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Ông Minh cho biết, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ vào tháng 6 về việc áp dụng quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại Việt Nam. Tháng 10, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua việc áp dụng thuế này, dự kiến có hiệu lực đầu năm sau.
Quốc hội sẽ ban hành chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu, gồm quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) và thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT).
Thuế bổ sung tối thiểu nội địa có thể hiểu là cơ chế nội địa trong đó việc tính toán lợi nhuận thặng dư và thuế tối thiểu được áp dụng tương đương với quy định của OECD. Cơ chế này nhằm tránh việc doanh nghiệp FDI nộp thuế bổ sung về các nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính. Đây là biện pháp mà các nền kinh tế như Hong Kong, Singapore, Malaysia đang cân nhắc và nhiều khả năng sẽ áp dụng.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết các quy định này được Việt Nam nội luật hóa đảm bảo tuân thủ quy định mẫu và các hướng dẫn theo chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận toàn cầu. Dự thảo này sẽ lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp, bộ, ngành trước khi trình Quốc hội.
Tại một hội thảo được tổ chức tại Việt Nam gần đây, Bộ Tài chính cho biết, hiện có 1.015 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp thuế. Trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của loại thuế này.
Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì họ sẽ được thu thêm 12.000 tỷ đồng riêng năm 2024. Và như thế, hiệu quả đầu tư của họ vào Việt Nam sẽ giảm một phần không nhỏ so với khi chưa bị áp thuế tối thiểu toàn cầu.
Cũng tại hội thảo này, ông Minh cho biết các quốc gia chịu tác động tiêu cực từ thuế tối thiểu toàn cầu đang tìm kiếm các giải pháp đối phó.
Chẳng hạn, Thái Lan dự kiến xây dựng một “gói” chính sách mới về ưu đãi thuế nội địa, thuế tối thiểu trong nước và các hỗ trợ khác. Ấn Độ đã có chính sách hỗ trợ chi phí sản xuất công nghệ cao bằng một khoản tiền đối với mỗi chiếc điện thoại trị giá khoảng 130 USD.
Với Việt Nam, ông Minh cho rằng có thể cân nhắc các giải pháp hỗ trợ tài chính, chẳng hạn hỗ trợ các doanh nghiệp trong về hạ tầng cơ bản cho sản xuất; hỗ trợ đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp; hỗ trợ nhà ở cho công nhân; hỗ trợ bảo hiểm xã hội - y tế cho người lao động; hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thân thiện môi trường...
Để thực hiện được chương trình hỗ trợ, ông Minh cho rằng Nhà nước cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư.