Pháp luật Doanh nghiệp - Tư vấn luật doanh nghiệp miễn phí 24/7

Công trình Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh vừa được trao giải Bạc hạng mục Kiến trúc công cộng

Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Công trình Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh vừa được trao giải Bạc hạng mục Kiến trúc công cộng tại Giải thưởng Kiến trúc quốc gia lần thứ 15 (2022-2023). Đây sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với mỗi du khách và sẽ góp phần tích cực trong việc bảo tồn, lan tỏa và phát huy giá trị của Dân ca Quan họ. Được đầu tư trên 240 tỷ đồng và đưa vào sử dụng được vài năm, bất ngờ Nhà hát Quan họ Bắc Ninh trở nên "nổi tiếng" khắp cõi  mạng vì hình ảnh những hàng ghế gỗ giả cổ "hoành tráng" của làng nghề Đồng Kỵ sử dụng làm ghế cho người ngồi xem.

Nhìn những bộ bàn, ghế trong Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, chúng ta đều thấy nó được mô phỏng từ những bộ tràng kỷ hay trường kỷ 6 món hoặc 8 món, là dòng nội thất chủ đạo của thời phong kiến, được làm từ các loại gỗ tự nhiên quý hiếm chỉ gia đình thuộc dòng dõi quý tộc, quan lại, địa chủ mới có và hiện tại, những bộ tràng kỷ làm từ các loại gỗ trắc, hương, lim, gụ mật, cẩm lai thì phải là người có điều kiện kinh tế khá tốt mới dám mua vì giá nó không hề rẻ.

Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh.

Việc bày hàng trăm bộ bàn, ghế bề thế trong Nhà hát dân ca Quan họ phải khẳng định là rất "độc, lạ", nhưng liệu có hợp lý hay không vẫn là điều mà đông đảo cư dân mạng tranh cãi. Đẹp hay xấu, phù hợp hay không phù hợp là do con mắt mỗi người nhưng nhìn nội thất làm toàn bằng gỗ tự nhiên như thế thì cho thấy tư duy hình như chưa phù hợp với thông điệp kêu gọi bảo vệ môi trường của Nhà nước. Với các công trình phục vụ cộng đồng thì nên sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và bảo vệ thiên nhiên.

Nếu ai đã có dịp tham quan Kinh thành Huế hẳn sẽ rất ấn tượng với Duyệt Thị Đường là nhà hát cổ nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam nằm trong Tử Cấm thành, có tuổi đời gần 200 năm, dành cho vua triều Nguyễn cùng hoàng gia, các quan đại thần cùng quan khách, sứ thần. Các chương trình biểu diễn ở Duyệt Thị Đường là ca múa nhạc và chủ yếu là các vở tuồng cung đình, thường tổ chức vào các dịp lễ hay đón tiếp sứ thần ngoại giao. Duyệt Thị Đường đã trải qua nhiều lần trùng tu, tu bổ, nhưng vẫn giữ được cách trang trí rất hài hoà, đồ gỗ đơn giản nhưng sang trọng được sắp đặt rất tương xứng với những hoa văn, kiến trúc, đường nét tinh tế mang đậm tinh túy của cung đình Nguyễn. Chính vì thế, nơi đây luôn thu hút, hấp dẫn hàng nghìn du khách ghé đến mỗi ngày, các suất diễn luôn luôn kín chỗ.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng không nhất thiết cứ phải đầu tư "hoành tráng", "độc, lạ" thì mới bảo tồn và phát huy được văn hóa truyền thống, mà cần phải tiếp thu tinh hoa từ quá khứ, xử lý tốt mối quan hệ trong hiện tại và còn phải luôn hướng tới nền văn hóa đích thực vì sự phát triển bền vững, vì hạnh phúc của con người.

Để bảo tồn, gìn giữ cho văn hóa Quan họ tiếp tục được nuôi dưỡng, được kế thừa và phát triển trong tương lai, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp, như: đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" cho các nghệ nhân Quan họ; thành lập Hội, Câu lạc bộ những người yêu Dân ca Quan họ và câu lạc bộ Quan họ "măng non" do các nghệ nhân, liền anh, liền chị phụ trách, truyền dạy. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục về văn hóa Quan họ trên Website để tuyên truyền quảng bá, giao lưu, tổ chức biểu diễn giới thiệu với cộng đồng, bạn bè trong nước và quốc tế, nhằm khẳng định bản sắc riêng và phát huy giá trị dân ca Quan họ; phát triển du lịch gắn với văn hóa Quan họ... đang góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Xin đừng để tồn tại trong tư tưởng của người dân suy nghĩ các công trình văn hóa lịch sử, truyền thống của chúng ta được dựng lên không phải từ nhu cầu của người dân mà là ý tưởng của các nhà quản lý và song hành với nó là lợi ích của một bộ phận không nhỏ từ những người trung gian. Việc ứng xử không đúng, hoặc chưa đúng với bảo tồn văn hóa sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gây lệch lạc về văn hóa, về ứng xử với truyền thống, với lịch sử.

Thực tế cho thấy, các công trình văn hóa càng độc đáo, đặc trưng và có tính nghệ thuật bao nhiêu thì du khách càng thích ghé thăm và hiệu quả quảng bá càng cao bấy nhiêu. Vì vậy cần tăng cường công tác quản lý, thẩm định, đánh giá đúng tác động của các công trình trước khi nó được ra mắt công chúng chứ đừng để đến lúc dư luận lên tiếng, sự đã rồi, chúng ta mới rút ra bài học kinh nghiệm...

 

Chat zalo Liên hệ theo Zalo Liên hệ theo SĐT
Mở Đóng
Gọi luật sưGọi luật sư 0567501111 ZaloZalo