Lẽ công bằng” trong pháp luật dân sự
Pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, không phải lúc nào các quy phạm pháp luật cũng được ban hành kịp thời. Để khắc phục vấn đề này, pháp luật nước ta thừa nhận và cho phép thẩm phán khi xét xử được áp dụng “lẽ công bằng” để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người liên quan.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Trang – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tại khoản 3 Điều 45 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS 2015): “Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”.
Như vậy, có thể hiểu lẽ công bằng là chuẩn mực xử sự trong quan hệ xã hội, phù hợp với nhận thức của nhiều người nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể trong quan hệ đó và được thực hiện một lẽ đương nhiên, tất yếu. Việc áp dụng lẽ công bằng trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự sẽ đảm bảo các tranh chấp được giải quyết một cách thấu tình, đạt lý.
Tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) quy định: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.
Theo Luật sư Trang, tại Việt Nam, trước năm 2015 chỉ có văn bản quy phạm pháp luật và tập quán được thừa nhận là nguồn pháp luật. Từ năm 2015 với sự ra đời của BLDS 2015 và BLTTDS 2015, lẽ công bằng chính thức được thừa nhận là nguồn của pháp luật tại Việt Nam bên cạnh các nguồn pháp luật khác như văn bản quy phạm pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật và án lệ. Điều này đã góp phần đa dạng hóa các nguồn của pháp luật dân sự Việt Nam.
Đây là một trong những quy định mới được ghi nhận trong BLDS 2015 và BLTTDS 2015. Quy định này được cụ thể hoá tại khoản 3 Điều 45 BLTTDS 2015 để hướng dẫn Tòa án xét xử trong trường hợp vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng.
Theo đó, Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật theo quy định tại Điều 5 và khoản 1 Điều 6 BLDS, khoản 1 và khoản 2 Điều này…
“Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”.
Từ những thông tin trên có thể thấy, lẽ công bằng đã được thừa nhận trở thành một trong những nguồn của pháp luật và chỉ được áp dụng trong trường hợp vụ việc không có quy định pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và án lệ áp dụng.
Việc áp dụng lẽ công bằng trong trường hợp này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo các vụ việc dân sự được giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự còn đảm bảo thực hiện nguyên tắc “Tòa án không được quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng” – một trong những nguyên tắc cơ bản của Toà án.
Mặt khác, trong quá trình xét xử, cụ thể là khi nghị án, các thành viên Hội đồng xét xử phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật.
Trường hợp vụ án thuộc trường hợp chưa có điều luật để áp dụng thì còn phải căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng, để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề.
Trường hợp áp dụng lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự thì nội dung này cũng được thể hiện rõ trong phần nội dung và nhận định của Tòa án để cho thấy việc áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết vụ án đã được xem xét một cách đầy đủ, khách quan. Các yếu tố của lẽ công bằng được mô tả, được xác định rõ và được viện dẫn áp dụng thay cho cơ sở pháp lý trong những vụ án có điều luật áp dụng.
Luật sư Trang cho rằng, với tư cách là một nguồn của pháp luật, lẽ công bằng như một giải pháp nhằm đảm bảo chức năng xét của Tòa án cũng như giải quyết nhanh chóng yêu cầu chính đáng của người dân, từ đó, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.