PL24h - Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được hiểu như thế nào ?
1.Trong pháp luật về tố tụng hình sự có quy định cụ thể :Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được quy định tại khoản 3, Điều 168 và điểm C, khoản 1, Điều 179 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2003 là một trong các căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung. “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.
Ảnh minh họa
Hướng dẫn cụ thể vấn đề này theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC hướng dẫn thi hành các quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Các trường hợp sau được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự:
– Lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra và cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà theo quy định của BLTTHS phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, nhưng đã không có phê chuẩn của Viện kiểm sát hoặc việc ký lệnh, quyết định tố tụng không đúng thẩm quyền;
– Không yêu cầu cử người bào chữa cho bị can, bị cáo theo quy định tại khoản 2, Điều 57 của BLTTHS;
– Xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ;
– Khởi tố vụ án hình sự nhưng không có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại theo quy định tại khoản 1, Điều 105 của BLTTHS;
– Nhập vụ án hoặc tách vụ án không có căn cứ và trái với quy định tại Điều 117 của BLTTHS;
– Không giao các lệnh, quyết định tố tụng cho bị can, bị cáo theo đúng quy định của pháp luật xâm phạm đến quyền bào chữa của bị can, bị cáo;
– Chưa điều tra, lập lý lịch của bị can; chưa xác định được những đặc điểm quan trọng về nhân thân của người có hành vi phạm tội (tuổi, tiền án, tiền sự của bị can, bị cáo);
– Không có người phiên dịch cho người tham gia tố tụng trong trường hợp họ không sử dụng được tiếng Việt hoặc họ là người câm, điếc theo quy định tại Điều 61 của BLTTHS;
– Không từ chối tiến hành tố tụng hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng trong các trường hợp quy định tại Điều 42, Điều 60 và Điều 61 của BLTTHS;
– Việc điều tra, thu thập chứng cứ quan trọng đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của BLTTHS nên không có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự;
– Chứng cứ, tài liệu quan trọng đối với vụ án đã được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố nhưng không đưa vào hồ sơ vụ án hoặc bị sửa chữa, thêm bớt làm sai lệch hồ sơ vụ án;
– Việc điều tra, truy tố không đúng thẩm quyền, trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền phân công điều tra vụ án cụ thể;
– Có căn cứ để xác định có việc mớm cung, bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự làm cho lời khai của bị can không đúng sự thật;
– Khiếu nại, tố cáo của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của họ;
– Những trường hợp khác được xác định theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều này nhưng phải ghi rõ trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
2. Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự:
Đây là một trong các nội dung của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) đang trở thành đề tài tranh luận do không có một định nghĩa chính xác về nội hàm của vấn đề này BLTTDS 2015 đã cụ thể hóa nhiều quy định bất cập của Bộ luật cũ. Tuy nhiên, vấn đề xác định: “Thế nào là vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng” được nêu ra tại Điều 326, BLTTDS 2015 quy định để làm căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vẫn còn là một vấn đề có nhiều quan điểm trái chiều.
Trong pháp luật tố tụng hình sự, việc những trường hợp nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được liệt kê và hướng dẫn rất rõ tại Thông tư 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC.
Tuy nhiên, trong pháp luật tố tụng dân sự, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nào đối với những trường hợp được xem là: “Vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng” ngay cả đối với BLTTDS hiện hành. Thiết nghĩ, việc xác định thế nào là: “Vi phạm nghiêm trọng trong thủ tụng tố tụng” hiện nay đang có 2 góc độ nhìn nhận khác nhau:
Góc độ thứ nhất đó chính là cách nhìn một cách chi tiết và thứ hai là cách nhìn mang tính tổng quan. Đối với cách nhìn mang tính chi tiết, có thể thấy rằng mọi trường hợp vi phạm thủ tục tố tụng dù mang tính nhỏ nhất mà chỉ cần đương sự cho rằng nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và nghĩa vụ của họ, thì tất cả đều phải được xem xét là thuộc một trong những trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Nói cách khác, quan điểm này đề cao việc có sự vi phạm thủ tục tố tụng hay không hơn là việc xem xét tổng quát tính nghiêm trọng của nó.
Ngược lại, đối với cách nhìn nhận thứ hai, quan điểm này lại tập trung vào việc phân tích mức độ nghiêm trọng của nó như thế nào, có ảnh hưởng ra sao đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các đương sự và hậu quả pháp lý của nó nếu nó được xác định là một trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Một ví dụ có thể dẫn giải là trường hợp biên bản hòa giải không thành của Tòa án cấp sơ thẩm không có chữ ký của Thư ký tòa án và Thẩm phán. Rõ ràng đây chắc chắn là một sự vi phạm thủ tục trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, vi phạm này có nghiêm trọng hay không lại là một vấn đề khác. Nếu đối chiều theo quan điểm đầu tiên, vi phạm này sẽ là một sự vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng. Nhưng đối với cách nhìn nhận thứ hai, nếu đây là một “vi phạm nghiêm trọng” thì căn cứ theo Điều 326 nó sẽ là căn cứ để tiến hành kháng nghị giám đốc thẩm. Nếu Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định hủy bản án và tiến hành xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm thì có thật sự giải quyết được nội dung cốt lõi của tranh chấp này không hay là chỉ gây mất thêm thời gian của đương sự để kéo dài việc giải quyết tranh chấp (?)
Đây là một câu hỏi tương đối khó. Tuy vậy, trên thực tiễn cho thấy Tòa án trong nhiều trường vẫn có một góc nhìn tổng quát hơn dưới góc độ của quan điểm thứ hai nêu trên.
Vấn đề được đặt ra: Căn cứ vào đâu để xác định bản án, của tòa án cấp dưới đã vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng hoặc chưa đến mức nghiêm trọng? Lâu nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào của cơ quan thẩm quyền xác định cụ thể cấp độ vi phạm thủ tục tố tụng để tòa án cấp trên dùng làm căn cứ hủy hoặc không hủy bản án của tòa án cấp dưới đã hoặc chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Chính vì vậy, tòa án cấp trên “thoải mái” nhận định tòa án cấp dưới có hay không vi phạm thủ tục tố tụng mà không căn cứ tiêu chí cụ thể xác định việc vi phạm thủ tục tố tụng như thế nào, thì phải hủy hoặc không hủy án của tòa án cấp dưới!
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể Thế nào là “vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng” để tòa án cấp trên dùng làm căn cứ trong việc hủy hay không hủy án của tòa án cấp dưới.
Luật sư Từ Tiến Đạt,Trưởng Văn phòng luật sư Đạt Điền, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh
( Phó Trưởng phòng Thanh tra Viện nghiên cứu pháp luật Phía Nam)