Thu phí tham quan di sản UNESCO: Làm đúng thì sao phải ngại
PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản, cho biết ông không hiểu tại sao việc thu vé vào công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) lại chậm trễ như vậy. Tại hội thảo quốc tế về các khu di sản VN được UNESCO công nhận, chính PGS-TS Văn đã đề nghị cần sớm triển khai đề án thu phí tham quan công viên địa chất này. "Cần sớm triển khai đề án thu phí tham quan công viên địa chất như đã được thực hiện tương tự ở một số khu vực mang danh hiệu UNESCO khác", ông Văn nêu quan điểm.
Chậm trễ vì e ngại dư luận ?
Mặc dù vậy, ông Văn phỏng đoán sự chậm trễ này một phần do… ngại dư luận. Theo đó, chỉ cần nói chuyện thu thêm phí là nhiều người sẽ phản đối ngay, cho dù nhiều địa điểm khác không ưu việt bằng cũng đã thu phí. "Như là khách lên động Tam Thanh ở Lạng Sơn chẳng hạn, thì cứ vào cửa là nộp tiền, chưa cần là di sản đã thu tiền rồi. Tôi nghĩ đối với hệ thống công viên địa chất toàn cầu thì có thể do chưa có nơi nào làm nên người ta cũng hơi ngần ngại, do tâm lý thôi, chứ chả có gì cản trở cả. UNESCO mấy lần khuyến cáo rồi, người ta ghi vào trong khuyến nghị chính thức", ông Văn cho biết.
Ông Văn cũng nhắc đến thói quen… thích miễn phí. "Người ta cứ quen miễn phí. Chỗ nào thu tiền và phải chấp nhận thì đồng ý, còn chỗ chưa thu phí đang chuẩn bị thu phí thì lại kêu ầm lên. Nhưng tôi nghĩ số người ủng hộ nhiều hơn so với số không đồng ý, đặc biệt với khách nước ngoài thì họ vô cùng đồng thuận", ông Văn chia sẻ.
Cũng theo ông Văn, về việc thu phí tham quan công viên địa chất toàn cầu ở Hà Giang, UNESCO đã khuyến cáo phải tổ chức thu từ năm 2014, tới 2018 lại tiếp tục có khuyến cáo, lần khuyến cáo thứ ba là năm 2022.
Để di sản tự nuôi và phát triển bền vững
Hiện tại, nhiều khu di sản trong nước do UNESCO ghi danh đang thực hiện thu phí tham quan. Đây là nguồn thu quan trọng để tái đầu tư cho di sản, thu hút du khách.
Tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), khu di sản hiện mở cửa tham quan tất cả các ngày trong tuần, trừ thứ hai, với thời gian mở cửa buổi sáng từ 8 - 11 giờ 30, buổi chiều từ 14 - 17 giờ. Vé tham quan tại đây có mức giá 30.000 đồng/lượt; miễn phí vé đối với người có công với cách mạng hoặc trẻ em dưới 15 tuổi. Người cao tuổi trên 60 tuổi hoặc sinh viên, học sinh từ 15 tuổi trở lên có mức giá vé ưu đãi 50% là 15.000 đồng/lượt.
Tại khu di tích cố đô Huế (Thừa Thiên-Huế), tùy từng điểm mà giá vé không giống nhau. Giá vé tham quan đại nội Huế với người lớn là 200.000 đồng/lượt, trẻ em dưới 15 tuổi là 40.000 đồng/lượt. Giá vé tham quan lăng vua Minh Mạng, lăng vua Tự Đức, lăng vua Khải Định với người lớn là 150.000 đồng/lượt, trẻ em 30.000 đồng/lượt; lăng vua Gia Long với người lớn là 150.000 đồng/lượt, trẻ em miễn phí. Vé tham quan lăng vua Đồng Khánh với người lớn là 100.000 đồng/lượt, trẻ em miễn phí. Các khu di tích lăng vua Thiệu Trị, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, điện Hòn Chén, cung An Định, đàn Nam Giao có giá vé 50.000 đồng/lượt cho người lớn, miễn phí với trẻ em. Khu di tích cũng có những tuyến đi 2 - 3 điểm di tích với giá vé tốt hơn mua lẻ từng điểm. Bên cạnh đó, vé thuyết minh hướng dẫn tại đại nội có giá 150.000 đồng/hướng dẫn viên/điểm; vé thuyết minh hướng dẫn tại các điểm di tích (có giá trị trong 2 ngày) có giá 300.000 đồng/hướng dẫn viên.
Vé tham quan di sản UNESCO vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) chỉ áp dụng với người có chiều cao từ 1,2 m trở lên, trẻ em cao dưới 1,2 m được miễn phí. Người VN từ đủ 60 tuổi trở lên được giảm 50% giá vé, với điều kiện phải mang theo CCCD hoặc chứng minh thư. Vé tham quan cũng chia làm nhiều mức với các tuyến khác nhau: tuyến 1, 2, 5 có giá 290.000 đồng/vé; tuyến 3, 4 giá 240.000 đồng/vé.
Th.S Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết việc tổ chức tham quan trong khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) đã được triển khai từ năm 1986. Từ đó đến nay, mỗi năm phố cổ lại đón lượng khách tham quan tăng thêm. "Nếu năm 2000, Hội An có hơn 192.000 lượt khách thì đến năm 2019 con số này là 5,7 triệu, tạo nguồn ngân sách quan trọng để tái đầu tư cho công tác trùng tu di tích, tổ chức các hoạt động lễ hội, chi cho công tác quản lý... Đặc biệt, trong số các điểm tham quan có hơn một nửa số điểm thuộc sở hữu tư nhân - tập thể là đình, hội quán, nhà cổ, nhà thờ tộc. Các điểm này cũng được trích lại phần trăm trên giá vé tham quan để chi cho hoạt động quản lý tại điểm", Th.S Ngọc cho biết.
Trong khi đó, dự kiến phí tham quan các điểm du lịch trong phạm vi công viên địa chất là 15.000 đồng đối với trẻ em và 30.000 đồng đối với người lớn. Khoản phí này dự kiến được thu thông qua lượt lưu trú, có nghĩa là nghỉ tại các cơ sở lưu trú thì sẽ thu tại đó. Nguồn kinh phí này sẽ được chi cho đơn vị tổ chức quản lý thu phí, cơ sở lưu trú trực tiếp thu phí, bảo tồn, bảo vệ, xây dựng sản phẩm mới ở công viên địa chất.
Nghiên cứu của ông Văn cho thấy, sau khi được công nhận, các công viên địa chất có nhiều cơ hội đầu tư từ T.Ư, các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư. Các công viên không thiếu kinh phí để vận hành, quản lý vì cơ bản chỉ cần thay đổi định hướng, điều chuyển mục đích sử dụng là đã có thể có tiền. Mặc dù vậy, việc thu phí vẫn cần thiết để công viên địa chất có thể tự nuôi nó và phát triển bền vững.
"Có một số hoạt động cần kinh phí. Ví dụ điều tra khảo sát nhận dạng các điểm di sản mới, phát triển đưa điểm đấy vào tham quan du lịch, giáo dục cộng đồng. Kinh phí để ban quản lý hoạt động, trả lương, nâng cao trình độ, trang thiết bị. Hàng chục năm trở lại đây thì Hà Giang chi khoản đó rồi, nhưng nó sẽ trở thành khoản thêm của tỉnh. Việc thu phí sẽ phục vụ trực tiếp những nhu cầu đó. Tức là để tính không phải gánh gánh nặng đấy, để tự thiết chế đó nó tự nuôi lấy nó. Thì lúc đấy nó sẽ bền vững", ông Văn nói.