Thủ tục nhận di sản thừa kế là cổ phần trong công ty cổ phần đã lên sàn chứng khoán được quy định như thế nào?
Thủ tục nhận di sản thừa kế là cổ phần trong công ty cổ phần đã lên sàn chứng khoán được quy định như thế nào? Cụ thể bên tôi có 01 trường hợp người lao động hiện đang tử tuất tháng 12/2018. Công ty bên tôi đã lên sàn chứng khoán và người này hiện đang nắm 200 cổ phần. Cho tôi hỏi người nhà của người lao động muốn thừa kế 200 cổ phần người tử tuất thì phải cần làm những giấy tờ gì?
Thủ tục nhận di sản thừa kế là cổ phần trong công ty cổ phần đã lên sàn chứng khoán được quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về chuyển nhượng cổ phần như sau:
Chuyển nhượng cổ phần
3. Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó trở thành cổ đông của công ty.
Căn cứ khoản 1 Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020quy định về thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp như sau:
Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi một trong những nội dung sau đây:
a) Ngành, nghề kinh doanh;
b) Cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết;
c) Nội dung khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, pháp luật về doanh nghiệp không quy định thủ tục đăng ký hay thông báo Sở kế hoạch đầu tư trong trường hợp này đối với doanh nghiệp. Vì vậy, công ty bạn sẽ ghi nhận thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông, xác định cổ công mới trong trường hợp này.
Đối với người thừa kế thì cần thực hiện các thủ tục sau:
-Thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại văn phòng công chứng;
- Thực hiện thủ tục tại Trung tâm lưu ký chứng khoán để chuyển quyền sở hữu.
Công ty chứng khoán khi thay đổi thông tin cổ đông thì có nghĩa vụ công bố thông tin trong trường hợp nào?
Căn cứ điểm g khoản 1 Điều 23 Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định về công bố thông tin bất thường như sau:
Công bố thông tin bất thường
1. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán là công ty cổ phần, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam thực hiện công bố thông tin bất thường theo quy định tại Điều 15 Thông tư này và trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
g) Khi hoàn tất các giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp để trở thành cổ đông, thành viên góp vốn nắm giữ từ 10% trở lên vốn điều lệ đã góp của công ty chứng khoán không phải là công ty đại chúng; các giao dịch làm thay đổi quyền sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp chiếm từ 10% trở lên vốn điều lệ hoặc giao dịch dẫn tới tỷ lệ sở hữu của cổ đông, thành viên góp vốn vượt qua hoặc xuống dưới các mức sở hữu 10%, 25%, 50%, 75% vốn điều lệ của công ty quản lý quỹ không phải là công ty đại chúng;
Theo đó, đối với công ty đã lên sàn chứng khoán thì khi thực hiện những giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp thuộc các trường hợp được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 23 nêu trên thì công ty có nghĩa vụ công bố thông tin.
Như vậy, khi công ty bạn tiến hành chuyển nhượng cổ phần cho người thừa kế của cổ đông đã chết thì cần lưu ý thực hiện công bố thông tin bất thường khi việc chuyển nhượng này thuộc các trường hợp được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 23 nêu trên
Trường hợp di sản thừa kế là cổ phần trong công ty cổ phần nhưng không có người thừa kế thì được xử lý như thế nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về chuyển nhượng cổ phần như sau:
Chuyển nhượng cổ phần
4. Trường hợp cổ đông là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần của cổ đông đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.
Căn cứ Điều 622 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản không có người nhận thừa kế như sau:
Tài sản không có người nhận thừa kế
Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.
Theo đó, trong trường hợp cổ đông là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì di sản thừa kế là số cổ phần của cổ đông đó sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thì sẽ thuộc về Nhà nước.