Bỗng dưng bị chiếm nhà: Ai bảo vệ quyền tài sản của công dân?
- Hàng loạt vụ án người mua nhà hợp pháp, sau đó bị người khác ngang nhiên vào chiếm làm chỗ ở mà người mua không làm gì được. Họ gõ cửa nhiều cơ quan nhưng vẫn không được giải quyết.
Anh Lê Thanh Nghị chỉ biết đứng ngoài nhìn căn nhà của mình bị người khác chiếm giữ
Câu chuyện tưởng quá đỗi vô lý này lại diễn ra rất nhiều trên thực tế. Liên quan đến vấn đề này, pháp luật đã có nhiều quy định, nhưng mỗi cơ quan lại có hướng dẫn khác nhau khiến đương sự rối bời.
Chiếm nhà trái phép, có thể bị xử lý hình sự
TAND tỉnh Hưng Yên từng tuyên phạt bị cáo Phạm Thị V. (65 tuổi) và Phạm Thị C. (54 tuổi) lần lượt mức án 12 tháng cải tạo không giam giữ và 9 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội "xâm phạm chỗ ở của người khác".
Vụ án bắt nguồn từ việc ông T. (bố đẻ của V. và C.) có một căn nhà cấp 4 ở TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên). Do các con gái đi lấy chồng nên ông T. đã chuyển nhượng căn nhà này cho con trai sử dụng làm nơi thờ cúng. Sau đó, người con trai bán nhà này cho mẹ con bà H..
Tuy nhiên, cả V. và C. lấy lý do nhà của bố để lại, cần xây nhà thờ mới nên đã đến nhà bà H. đập phá, chuyển toàn bộ đồ đạc của bà ra đường. Sau đó, V. và C. xây dựng trên đất căn nhà khác và khóa cửa lại, không cho bà H. vào ở.
Bà H. làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng. Quá trình giải quyết vụ án, cả V. và C. đều thừa nhận chuyển đồ đạc của bà H. ra khỏi nhà, không cho vào ở nhưng nại lý do căn nhà của bố mẹ để lại, bà H. chỉ là người đến ở nhờ.
Tuy nhiên theo tòa, căn nhà đã được cấp giấy chứng nhận cho con trai bà H., hành vi của hai bị cáo là xâm phạm chỗ ở khi chưa có sự đồng ý của bà H., khiến cuộc sống của bà bị xáo trộn.
Hiện nay có nhiều người vì tranh chấp nhà đất đã vô tư dùng vũ lực đuổi chủ nhà hợp pháp ra khỏi nhà rồi ngang nhiên vào ở mà không biết rằng họ có thể bị xử lý hình sự. Ngay cả việc xông vào nhà người khác trong một buổi sáng, khi chưa được chủ nhà đồng ý, cũng có thể bị phạt tù.
Còn lúng túng trong cách giải quyết
Không ít trường hợp mua nhà hợp pháp, chưa ở được ngày nào nhưng lại bị người khác ngang nhiên vào bẻ khóa chiếm làm chỗ ở. Điều đáng nói là người đi chiếm nhà người khác lại không bị xử lý. Như câu chuyện của anh Lê Thanh Nghị (ngụ Bình Thuận).
Căn nhà anh Nghị mua với giá 2,2 tỉ đồng, chưa ở được ngày nào thì bị chủ nợ của người bán nhà trước đó đến phá khóa vào ở. Các cơ quan tố tụng cho rằng trường hợp này không thể khởi tố vụ án "xâm phạm chỗ ở của công dân" vì anh Nghị chưa ở nhà mới ngày nào nên không có cơ sở giải quyết.
Trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu (chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam) cho biết từ thực tế cho thấy các cơ quan tố tụng vẫn còn lúng túng trong việc xử lý các vụ tranh chấp nhà đất mà một bên mua hoàn toàn hợp pháp.
Dù Hiến pháp, pháp luật đã có quy định "mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý". Tuy nhiên, thực tế cho thấy có những người vô tư "xâm phạm chỗ ở của người khác" mà lại không bị xử lý.
"Việc người mua nhà có ở hay không ở ngày nào trong căn nhà đó cũng không làm thay đổi bản chất quyền về chỗ ở của họ. Chưa kể, hành vi xâm nhập trái pháp luật chỗ ở (nhà ở) hợp pháp của đương sự khi không có sự chấp thuận của chủ nhà, ngăn cản không cho chủ nhà được thực hiện quyền của mình là hành vi vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, người xâm phạm chỗ ở không có giấy tờ gì chứng minh về quyền lợi của mình. Họ biết người mua có đầy đủ quyền được pháp luật công nhận nhưng vẫn xâm phạm. Tôi cho rằng hành vi này có đủ căn cứ để khởi tố vụ án về tội "xâm phạm chỗ ở của người khác" theo điều 158 Bộ luật hình sự" - luật sư Hậu khẳng định.
Trên thực tế, những vụ án xâm phạm chỗ ở, chiếm giữ tài sản trái phép đều liên quan đến tranh chấp về tài sản là nhà đất.
Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội) khuyến cáo người dân khi mua cần lưu ý nhà đất phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định. Tài sản không rơi vào trường hợp đang tranh chấp, không bị quy hoạch, cảnh giác với nhà đất có bìa đỏ giả mạo.
Hiện nay nhiều người ham rẻ, biết tài sản có tranh chấp hoặc bị quy hoạch vẫn mua, khiến sau này rất khó đảm bảo quyền lợi cho họ.
Cũng theo luật sư Nam, nếu đã rơi vào tình trạng nhà của mình mà không được vào, người dân cần trình báo cơ quan chức năng hoặc làm đơn khởi kiện ra tòa để được bảo vệ. Không ai có quyền giao tài sản mà mình đã mua hợp pháp cho bên thứ 3 khi chưa được sự đồng ý của mình.
Nếu người tranh chấp nhận thấy người mua nhà được chuyển nhượng bất hợp pháp thì phải báo với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định chứ không được tự ý chiếm giữ, cản trở người mua vào chỗ ở hợp pháp của mình.
Hành vi phá khóa, chiếm giữ trái phép căn nhà của người khác đủ cấu thành tội "xâm phạm chỗ ở của người khác".
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng chỗ ở của cá nhân, theo quy định của Luật cư trú và nghị định hướng dẫn, được hiểu là nơi được sử dụng nhằm mục đích để ở, thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chủ sở hữu, không phụ thuộc vào việc chủ sở hữu có ở đó hay không.
Đồng thời, pháp luật cũng không có bất cứ quy định nào bắt buộc chủ sở hữu phải ở trong nhà thì nhà đó mới được xem là chỗ ở hợp pháp.
Điều kiện "thường xuyên sinh sống" chỉ được áp dụng để xác định nơi thường trú của công dân, không thể áp dụng điều kiện này để xác định đó có phải là chỗ ở hợp pháp của công dân hay không.
Do đó, việc các cơ quan tố tụng nhận định người mua chưa ở ngày nào nên không được xem là chỗ ở hợp pháp, từ đó không khởi tố vụ án, là không có cơ sở, trái với tinh thần của Luật cư trú và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Người bị chiếm nhà... chờ, cơ quan chức năng... loay hoay
Ông Đinh Văn H. (ngụ tại Tiền Giang) mua căn nhà tại đường Bà Hom, Q.6 (TP.HCM) chưa ở được ngày nào nhưng bị người khác chiếm mất. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng Q.6 lại cho rằng ông H. chưa ở nhà ngày nào nên không thể khởi tố đối với người chiếm giữ nhà của ông.
Liên ngành tố tụng TP.HCM đã họp đến hai lần về vụ việc này.
Tại buổi họp lần hai, các cơ quan thống nhất chuyển các cơ quan liên quan đề xuất xử lý hành chính đối với cá nhân có hành vi "sử dụng trái phép tài sản của người khác". Trong quá trình xử lý hành chính, nếu có hành vi hình sự, chống đối không thi hành quyết định thì tiến hành xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên đến tháng 3-2020, các cơ quan lại tiếp tục họp để xin ý kiến giải quyết và vụ việc đến nay vẫn chưa có hướng xử lý. Ông H. mua nhà hợp pháp vẫn chưa được ở, còn nhà của ông bị người khác ngang nhiên chiếm mất.