Pháp luật Doanh nghiệp - Tư vấn luật doanh nghiệp miễn phí 24/7

Hành vi bất hiếu sẽ bị xử lý như thế nào?

Tôi có 3 người con hai trai một gái, do tuổi cao sức yếu nên tôi có ý định để lại tài sản cho 3 người con. Tuy nhiên, do việc làm ăn thua lỗ con gái tôi đã mượn sổ hồng của tôi với mục đích cầm cố, nhưng do số tiền quá lớn, lên đến 3 tỉ đồng nên tôi quyết định cho con gái được đứng tên sổ hồng để mang đi cầm cố. Tôi và con gái tôi đã ký một hợp đồng viết tay sau khi sang tên sổ hồng. Khoảng 6 tháng sau tôi phát hiện con tôi đã bán căn nhà của mình đã ở 60 năm qua cho người hàng xóm gần nhà, người mua nhà và con gái tôi đã đến nhà tôi để đổ xa bần, dọn đồ con, cháu của tôi ra khỏi nhà, họ còn chửi bới, đập phá nhà tôi rất nhiều. Xin hỏi luật sư hành vi của con tôi có vi phạm pháp luật hay không? Con tôi sẽ bị xử lý như thế nào?

1. Nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ

Hiện nay, nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ được quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

- Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

- Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.

- Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

2. Mức xử phạt đối với hành vi bất hiếu với cha mẹ

2.1. Xử phạt hành chính đối với hành vi bất hiếu với cha mẹ

Hành vi bất hiếu với cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính ở các mức phạt sau:

* Đối với hành vi xâm hại sức khoẻ thành viên gia đình có thể bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình.

+ Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: 

+ Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.

+ Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm

(Theo Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

* Đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình:

-  Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

+ Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

+ Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.

+ Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh đối với hành vi.

(Theo Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

* Đối với hành vi vi phạm về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng cha mẹ:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ theo quy định của pháp luật.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định.

(Theo điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

* Đối với hành vi bạo lực về kinh tế:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.

- Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.

- Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.

(Theo Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

2.2. Trách nhiệm hình sự

Hành vi bất hiếu với cha mẹ có thể bị xử lý hình sự về một trong các tội danh sau đây:

* Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình:

- Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây: 

+ Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

- Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: 

+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

+ Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

(Theo Điều 85 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017))

* Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng:

Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà:

- Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe.

- Hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) , thì.

(Theo Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017)) )

* Tội hành hạ người khác:

- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017)) .

- Phạt tù từ 01 năm đến 03 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên.

+ Đối với 02 người trở lên.

Như vậy, con cái có nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc và đối xử với cha mẹ theo quy định của pháp luật. Nếu có hành vi bất hiếu, ngược đãi có thể bị xử phạt hành chính lên đến 30.000.000 đồng, hoặc có thể bị xử lý hình sự về một trong tội như tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu; người có công nuôi dưỡng mình; tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng; tội hành hạ người khác.

Điều 9. Các hành vi bị cấm

1. Lăng mạ, ngược đãi, xúc phạm, hành hạ, phân biệt đối xử đối với người cao tuổi.

2. Xâm phạm, cản trở người cao tuổi thực hiện quyền về hôn nhân, quyền về sở hữu tài sản và các quyền hợp pháp khác.

3. Không thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng người cao tuổi.

4. Lợi dụng việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi để vụ lợi.

5. Ép buộc người cao tuổi lao động hoặc làm những việc trái với quy định của pháp luật.

6. Ép buộc, kích động, xúi giục, giúp người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với người cao tuổi.  

7. Trả thù, đe doạ người giúp đỡ người cao tuổi, người phát hiện, báo tin ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật đối với người cao tuổi.

 

Chat zalo Liên hệ theo Zalo Liên hệ theo SĐT
Mở Đóng
Gọi luật sưGọi luật sư 0567501111 ZaloZalo