Pháp luật Doanh nghiệp - Tư vấn luật doanh nghiệp miễn phí 24/7

Sự phát triển của báo chí ngày nay

Sự phát triển của báo chí ngày nay

Báo chí là gì?

Căn cứ pháp lý: Điều 3 Luật Báo chí 2016

Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Người làm báo gặp áp lực rất lớn khi các cơ quan báo chí và mạng xã hội trong việc “cạnh tranh” đưa thông tin đến với công chúng. Hoạt động báo chí không đối lập với mạng xã hội mà cần tương tác, tận dụng mạng xã hội để mạng xã hội trở thành môi trường truyền thông đa dạng, phong phú cho báo chí. Khi mạng xã hội càng phát triển, báo chí càng cần khẳng định, nâng cao vị thế, vai trò là dòng thông tin chính thống, chủ đạo quan trọng nhất và đáng tin cậy nhất trong đời sống xã hội. Vì vậy, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đổi mới về phương thức nghề nghiệp, cải tiến mạnh mẽ hơn nữa, tận dụng những lợi thế về công nghệ thông tin, vượt trội mạng xã hội về độ tin cậy, chính xác.

 

Đại dịch COVID-19 có những tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cơ quan báo chí nói riêng. Ảnh hưởng này được coi là nguy cơ lâu dài, làm sụt giảm nguồn thu và gia tăng chi phí hoạt động của các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí được cấp toàn bộ hoặc một phần nguồn kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước ít bị ảnh hưởng hơn các cơ quan báo chí tự chủ để đảm bảo cân đối thu chi. Nhiều cơ quan báo chí đã có những điều chỉnh, thay đổi để kịp thời thích ứng, hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với hoạt động của mình. Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, báo Thanh Niên xin tạm ngừng phát hành kênh báo in kể từ ngày 23/8 đến hết ngày 15/9/2021.

 

Tác động của kinh tế thị trường khiến nhiều giá trị văn hóa xuống cấp, xuất hiện xu hướng chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ. Trong thời gian gần đây, xuất hiện rất nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề minh bạch của nghệ sĩ quyên góp, làm từ thiện; quảng cáo (PR) sản phẩm sai mục đích, chức năng, gây hậu quả cho người tiêu dùng; livestream “bóc phốt” đồng nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lí tiếp nhận, tình cảm, tư tưởng và hành vi của công chúng.

 

Hiện nay, hoạt động kinh tế báo chí cũng giảm sút do nền kinh tế gặp khó khăn; các tổ chức, doanh nghiệp đều đã cắt hoặc giảm chi phí dành cho quảng cáo, tuyên truyền. Bên cạnh đó, các mạng xã hội cũng đẩy mạnh dịch vụ quảng cáo trực tuyến nên thị phần dành cho quảng cáo trên báo in, báo điện tử, kênh truyền hình, phát thanh đều bị thu hẹp. Nguồn thu quảng cáo tiếp tục dịch chuyển mạnh sang các nền tảng truyền thông mới.

 

Đối với hoạt động báo chí, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông sẽ diễn ra mạnh mẽ và rất nhanh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Báo chí không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh mọi lĩnh vực đời sống xã hội mà báo chí trong thời kỳ mới phải là “bộ lọc” thông tin, kiến giải những vấn đề mang tính bản chất từ hiện tượng xã hội để bảo đảm thực hiện tốt sứ mạng của nền báo chí cách mạng và phát triển theo hướng hiện đại. Sự dịch chuyển phương thức tiếp cận thông tin của người đọc, nghe, xem từ bị động sang chủ động và công nghệ định hướng, dẫn dắt (gợi ý) người dùng diễn ra nhanh chóng và là xu thế chủ đạo. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược tổ chức, vận hành và quản lý hoạt động theo mô hình mới (đa nền tảng, tăng tính tương tác, ...) để có thể đáp ứng nhu cầu của công chúng.

 

Cạnh tranh thông tin giữa các loại hình truyền thông ngày càng cao; xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp tự sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình (các audio, video) và cung cấp lên các hạ tầng truyền dẫn trên mạng internet qua các trang web, ứng dụng, mạng xã hội, hình thành xu thế “truyền thông đại chúng” với những thông tin đa chiều, khó định hướng.

 

Xuhướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản ngày càng được thể hiện rõ. Một số nhà xuất bản sử dụng lợi thế của công nghệ thông tin để áp dụng vào các công đoạn của quy trình xuất bản, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả của quy trình này. Đồng thời, tiến hành những hình thức kinh doanh mới như: kinh doanh, phát hành sách trực tuyến qua mạng internet...

 

Xuất bản điện tử được phát triển mạnh mẽ. Đây là loại hình xuất bản mới, đồng thời là xu hướng phát triển phổ biến về văn hóa đọc của nhiều quốc gia. Hiện nay, trên thế giới, sách điện tử đã và đang tạo ra triển vọng mới cho ngành Xuất bản với sự phát triển như vũ bão của công nghệ điện tử, kỹ thuật số, thiết bị cá nhân như các thiết bị thông minh, máy tính bảng, máy đọc sách điện tử (Kindle),… Từ đó, đã làm cho cán cân thị phần sách điện tử trên thế giới đang có sự thay đổi lớn. Xuất bản, phát hành sách trên mạng và thiết bị kỹ thuật số trên thế giới đã xuất hiện và đang trở thành một xu hướng phổ biến có sức lây lan mạnh mẽ.

 

Hợp tác quốc tế trong hoạt động xuất bản đã được nhiều nhà xuất bản quan tâm, nhất là việc mua bán bản quyền và tham gia các hoạt động quốc tế về xuất bản như hội chợ, triển lãm sách quốc tế, hội thảo nghiệp vụ… Sau những năm đầu lúng túng khi Việt Nam gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, đến nay, hoạt động mua bán bản quyền sách với các đối tác nước ngoài đã dần phát triển và ngày càng diễn ra sôi động và chuyên nghiệp hơn. Song song với đó, xu hướng hình thành các tập đoàn, tổ hợp xuất bản ở các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản... đủ sức cạnh tranh trong nước và vươn ra khu vực và thế giới đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi nội lực chính của các nhà xuất bản trong nước và cũng như cơ quan lãnh đạo, quản lý xuất bản trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả ngành Xuất bản và xuất bản phẩm ở Việt Nam hiện nay.

 

Đối với mạng xã hội và các phương tiện truyền thông trên internet, xuất hiện nhiều nội dung thông tin xấu độc, tin giả với dụng ý bóp méo sự thật đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị-xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặc dù, mạng xã hội bị lợi dụng để phát tán thông tin xấu độc, tin giả nhưng doanh nghiệp vận hành mạng xã hội có xu hướng chối bỏ trách nhiệm của mình với các thông tin đó. Nhiều nước trên thế giới đang xem xét về trách nhiệm pháp lý đối với nội dung vi phạm được phát tán trên các nền tảng mạng xã hội.

Hiện nay, mạng xã hội có xu hướng thu thập dữ liệu người dùng nhiều hơn cần thiết nhưng không có biện pháp, hoặc không đủ khả năng bảo vệ dữ liệu đó. Nhiều mạng xã hội kinh doanh dữ liệu người dùng như một thứ hàng hoá mang lại giá trị kinh tế lớn. Ngoài ra, mạng xã hội thường xuyên sử dụng dữ liệu thu thập được để theo dõi và giám sát người dùng bằng các thuật toán tinh vi mà người dùng không được biết đầy đủ. Nguy hiểm nhất là thông qua đó, mạng xã hội chủ động dẫn dắt suy nghĩ của người dùng một cách âm thầm mà người dùng không hề nhận thực được. Mạng xã hội không chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung trên nền tảng của mình. Nhiều nước trên thế giới cho rằng, các công ty công nghệ cần phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung trên nền tảng của mình. Tuy nhiên, các công ty cho rằng “họ chỉ là nhà phân phối thông tin, không phải nhà xuất bản thông tin” nên không phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung do người dùng tăng tải. Nguy hiểm hơn, mạng xã hội không minh bạch thuật toán sử dụng. Các thuật toán có thể là công cụ để định hướng thông tin sai lệch cho người dùng phục vụ mục đích quảng cáo, thương mại và ngăn cản người dùng được tiếp cận các nội dung thông tin chính thống có ích.

 

Chat zalo Liên hệ theo Zalo Liên hệ theo SĐT
Mở Đóng
Gọi luật sưGọi luật sư 0567501111 ZaloZalo