Khi thị trường vượt qua trầm lắng và phục hồi trở lại, sẽ có sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư lớn toàn cầu vào thị trường Bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 – 2026, đây cũng là thời điểm thị trường được kỳ vọng tăng trưởng.
Dự báo trên được bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đưa ra tại buổi cập nhật thông tin về thị trường bất động sản quý 2 vừa diễn ra tại TP.HCM. Lý giải cho nhận định thị trường sẽ hồi phục trở lại vào năm 2024, bà Trang cho đưa ra nhiều cơ sở.
Đầu tiên, nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn tốt, nhà đầu tư vẫn dịch chuyển sang đầu tư ở Việt Nam. Dòng vốn FDI của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào bất động sản, họ quan tâm và cam kết đầu tư ở Việt Nam.
Bên cạnh đó còn có những hoạch định cam kết phát triển cơ sở hạ tầng, điều này cũng thu hút nhà đầu tư. Theo Bộ Giao thông Vận Tải, quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ đến 2030 ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng lưới 5.000 km đường cao tốc.
Các tín hiệu cơ sở hạ tầng đang rất tích cực. Chẳng hạn như sự kiện khánh thành cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết với tổng vốn đầu tư 12,5 nghìn tỷ đồng; khởi công Vành Đai 3 với tổng vốn đầu tư 75 nghìn tỷ đồng; tái khởi động thi công cao tốc Bến Lức – Long Thành (sau 4 năm dừng thi công) với tổng vốn đầu tư 31 nghìn tỷ đồng.
Riêng quy hoạch sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ có mức công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, gấp 2,5 lần công suất hiện tại của hàng không Singapore.
Chu kỳ phát triển mạnh mẽ tiếp theo của thị trường bất động sản dự báo diễn ra vào năm 2024
Về phía Chính phủ cũng đã ban hành những cập nhập thay đổi pháp lý tích cực nhằm gỡ vướng và thúc đẩy cho thị trường bất động sản. Tính đến nay, Bộ Xây dựng, tổ công tác của Thủ tướng đã xử lý, giải quyết 71 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 121 dự án bất động sản trên cả nước.
Đồng thời ban hành các văn bản việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, hướng dẫn thi hành Luật đất đai và quy định về lãi suất và bảo lãnh ngân hang.
“Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực cho sự phục hồi của thị trường bất động sản và Việt Nam vẫn là một trong những thị trường tiềm năng để đầu tư trong khu vực”, bà Trang cho biết.
Về phía doanh nghiệp, hiện nay các chủ đầu tư trong nước ngày càng tăng trưởng và đa dạng hóa danh mục đầu tư bất động sản của mình. Nếu như thời điểm 2008, nhiều nhà đầu tư chỉ tập trung ở TP.HCM và đẩy mạnh đầu tư vào căn hộ thì hiện nay số lượng các nhà đầu tư trong nước cũng không ngừng phát triển và mở rộng danh mục đầu tư. Lãi suất hiện vẫn đang được được kiểm soát ở mức 10-12% thay vì hơn 20% như giai đoạn trước đây.
Bà Trang dự báo các ngân hàng sẽ tiếp tục thắt chặt tín dụng cho vay nhằm đảm bảo giảm rủi ro về vốn. Tuy nhiên, một môi trường cho vay nghiêm ngặt và thận trọng hơn sẽ tạo được môi trường đầu tư an toàn và lâu dài, hỗ trợ sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
“Chúng tôi tin rằng khi thị trường vượt qua trầm lắng và phục hồi trở lại, sẽ có sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư lớn toàn cầu vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 – 2026, đây cũng là thời điểm thị trường được kỳ vọng tăng trưởng”, bà Trang nói thêm.
Dự báo về bức tranh thị trường từ nay đến cuối năm, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang lạc quan thị trường sẽ từng bước trở lại tốt hơn. Điều này phản ánh rõ qua thị trường chứng khoán, thị trường được xem là “đi trước” của nền kinh tế nói chung cũng như bất động sản nói riêng. Thị trường chứng khoán hiện nay tương đối lạc quan.
Ông Quang kỳ vọng, “6 tháng cuối năm bất động sản bắt đầu trở lại từ đáy. Khi đó, các giao dịch tiếp tục gia tăng, các chủ đầu tư đang nhiệt tình và chủ động trong việc đưa ra các chính sách hợp lý để kéo thị trường trở lại, giá bán cũng đang hợp lý hơn, tiến độ thanh toán kéo dài hơn. Tôi nghĩ 6 tháng cuối năm thị trường sẽ bắt đầu nhẹ nhàng đi lên”.
Để có thêm nhiều hoạt động đầu tư bất động sản diễn ra trên thị trường, Cushman & Wakefield nhận định vẫn còn nhiều dự án bị trì hoãn quy trình phê duyệt pháp lý.Việt Nam sẽ cần đạt mức độ minh bạch cao hơn, quy hoạch đô thị bài bản cũng như khung pháp lý vững vàng hơn nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Khi quá trình xem xét pháp lý được hoàn thành, tăng trưởng nguồn cung có thể đáp ứng nhu cầu, thị trường sẽ minh bạch và hiệu quả hơn cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.