Chụp lén, tung ảnh người khác lên mạng bị xử lý ra sao?
Người có hành vi chụp lén và phát tán hình ảnh của người khác sẽ bị xử phạt hành chính và chịu trách nhiệm bồi thường về tổn thất gây ra.
Thời gian qua, trên mạng xã hội phát tán nhiều hình ảnh, video được quay, chụp lén với mục đích câu like, câu view. Tuy nhiên, những hình ảnh này rất nhạy cảm gây ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự của nạn nhân. Bên cạnh đó, không ít người để lại bình luận khiếm nhã và cổ súy cho hành vi kém văn hóa này.
Người đàn ông đăng tải tấm hình 'selfie' cùng lời lẽ khiếm nhã.
Tự ý chụp lén, phát tán hình ảnh, video người khác lên mạng xã hội
Mới đây, nhóm Facebook có tên BHX với hơn 10 ngàn lượt theo dõi vừa tung hình ảnh chụp lén một cô gái mặc áo hai dây, bộ ngực lộ rõ đứng trong thang máy với nội dung: "Đi thang máy chung cư mà áp lực quá, phải làm sao đây anh em nhỉ?". Đáng chú ý, dưới phần bình luận là những lời lẽ thô tục và khiếm nhã: "Xơi luôn", "Sáng mắt" hoặc đầy xúc phạm như "gái ngành".
Tương tự, một diễn đàn trên Facebook cũng đăng tải video được cho là tự ý quay lén và phát tán hình ảnh cá nhân của khách hàng lên mạng xã hội. Cụ thể, người tài xế đã lắp camera ở trong xe ghi lại cảnh đôi nam nữ đang trò chuyện trong tư thế cô gái gối đầu lên đùi chàng trai. Tuy nhiên, cô gái trẻ mặc chiếc áo hai dây khoét cổ sâu đã bị góc máy quay thẳng vào vùng nhạy cảm. Video này thu hút hơn 3.000 bình luận và gần 900 lượt chia sẻ với chú thích: "Làm nghề tài xế áp lực thật, xe có điều hòa mà bác tài toát mồ hôi liên tục". Hành động này đã khiến nạn nhân nhận về vô số lời châm chọc, đùa cợt tục tĩu như: "chàng trai thật có số hưởng", "đồi cao quá", "tài xế chắc đổ mồ hôi",...
Cách đây không lâu, chủ tài khoản N.K từng gây xôn xao dư luận khi đăng ảnh chụp lén nữ sinh trước cổng trường kèm lời lẽ khiếm nhã: "sinh viên giờ trắng thế cơ". Dưới bài đăng, nhiều người để lại lời bình phẩm dung tục, cổ suý cho hành vi sai trái này. Được biết, nạn nhân sau đó đã đăng bài bày tỏ sự bức xúc khi hình ảnh cá nhân bị lan truyền trên mạng xã hội và yêu cầu chủ tài khoản NK xin lỗi...
Chụp, quay lén người khác là hành vi vi phạm pháp luật
Nói về hành vi chụp, quay lén và phát tán hình ảnh của người khác tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người có hành vi tự ý chụp ảnh, quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác gây ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự thì được coi là hành vi vi phạm pháp luật; ngoại trừ một số trường hợp như sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lấy hình ảnh từ các hoạt động công cộng mà không gây ra tổn hại đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của người có hình ảnh.
Theo khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020, mức phạt cho tổ chức có hành vi tự ý đăng ảnh người khác lên mạng xã hội mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Đối với cá nhân nếu có hành vi vi phạm, mức phạt sẽ bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020), tương đương mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.
Đồng thời, Bộ luật Dân sự 2015 quy định uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ. Nếu cá nhân bị lộ hình ảnh, thông tin ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm hoặc thiệt hại khác thì có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên Tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường.
Khi nạn nhân phát hiện mình bị xâm phạm quyền hình ảnh, đầu tiên cần lưu lại bằng chứng qua việc yêu cầu các văn phòng thừa phát lại lập vi bằng, ghi nhận lại chứng cứ pháp luật. Sau đó, nạn nhân sử dụng bằng chứng này để gửi đơn khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đến cơ quan chức năng yêu cầu xử lý.